Rắc rối khi có quá nhiều ý tưởng
Một trong những vấn đề khiến con người phải đau đầu chính là thiếu ý tưởng. Trên Internet ngập tràn những bài viết đưa ra những lời khuyên giúp vượt qua tình huống này, còn ở đây, trong bài viết này, tôi xin đưa ra những suy nghĩ và trải nghiệm của bản thân với một cái nhìn khác.
Thời gian
Trước kia, khi làm việc trong một môi trường studio bận rộn, thời gian là yếu tố luôn chi phối công việc của tôi, luôn luôn phải chạy đua với thời gian. Tôi được kỳ vọng phải có hàng tá ý tưởng trong vòng vài giờ sau khi nhận được outline. Tôi cảm thấy như mình rơi xuống trong không trung, mở rộng cánh tay hi vọng rằng những ngón tay của mình có thể chạm được vào một bàn tay cứu cánh nào đó. Bị hạn chế về thời gian, tôi bắt buộc phải bám vào ý tưởng đầu tiên vụt qua.
Thông thường sau khi nắm được outline, trong đầu designer xuất hiện rất nhiều ý tưởng, nhưng họ cần phải biết mình phải dừng lại ở đâu. Làm việc trong môi trường hạn chế về thời gian như vậy giúp tôi rèn luyện khả năng đó, tôi có thể nhận biết nhanh chóng sự khác nhau giữa những ý tưởng tồi và ý tưởng khả thi.
Ngược lại, nếu bạn cho phép mình thảnh thơi và có hàng núi những ý tưởng tuyệt vời, hãy cẩn thận khi lựa chọn ý tưởng mà bạn theo đuổi để đạt được mục tiêu cuối cùng.
Bạn có thể dành rất nhiều thời gian theo đuổi một ý tưởng và rồi cũng mất một khoảng thời gian kha khá để phát hiện ra mình đã đi vào ngõ cụt. Bản thân tôi thừa nhận tôi đã từng trải qua những trải nghiệm đó, nhưng nếu bạn tiếp tục đi vào ngõ cụt, sớm muộn gì bạn cũng sẽ nhận ra mình đã lãng phí quá nhiều thời gian theo đuổi những ý tưởng mà đáng nhẽ nên vứt bỏ ngay từ ban đầu.
Tập trung
Có quá nhiều ý tưởng cạnh tranh hỗn loạn trong đầu sẽ đưa bạn trở về con số 0. Nếu bạn nghĩ rằng bạn có rất nhiều ý tưởng tuyệt vời, sẽ rất khó khăn khi quyết định loại bỏ một vài ý tưởng "ít tuyệt vời hơn" để tập trung vào một ý tưởng tuyệt vời nhất.
Cuối cùng kết quả là bạn sẽ cố gắng pha trộn các ý tưởng với nhau, đưa tất cả vào cùng một sản phẩm. Thay vì nhấn mạnh vào một thông điệp chính, bạn đã pha loãng tất cả.
Kết quả tương tự cũng sẽ xảy ra đối với các thiết kế của bạn, nếu bạn là một người rất giỏi sản sinh ra các ý tưởng và bạn đang theo đuổi nhiều dự án cùng một lúc.
Hãy nghĩ thoáng một chút, những ý tưởng bị loại bỏ trong dự án này, có thể tỏa sáng trong 1 dự án khác. Chẳng có gì sai khi chúng ta "tái sử dụng" những ý tưởng.
Sự bão hòa
Tôi luôn cảnh giác khi nảy ra hàng tá các ý tưởng đối với một dự án. Đáng nhẽ tôi phải rất vui và hào hứng, nhưng qua kinh nghiệm nhiều năm làm việc, tôi nhìn nhận vấn đề với con mắt hoài nghi.
Chẳng có j giá trị lại đến một cách dễ dàng, vì thế tôi thường bỏ qua những ý tưởng đầu tiên. Thông thường tôi sẽ trở lại với những ý tưởng đầu tiên để xem xem có những ý tưởng tuyệt vời nào len qua được bộ óc hoài nghi của mình không. Đôi khi chuyện đó xảy ra.
Quá trình kỳ lạ trên là một phần của bộ máy kiểm soát chất lượng trong đầu tôi: Luôn nghi ngờ những ý tưởng đầu tiên
Chất lượng
Rất đơn giản, càng có nhiều ý tưởng thì bạn càng khó xác định vàng nằm lẫn trong những đống đá vụn.
Designer thường có những ý tưởng vụt đến. Tôi đã làm vài dự án, mà trong đó, những giải pháp thiết kế rơi từ trên "9 tầng mây" xuống đầu tôi. Đó thật sự là những trải nghiệm tuyệt vời và may mắn. Với tôi, đó là những điều may mắn ít gặp.
Khi có những ý tưởng, tôi cố gắng thiết kế theo trình tự, để đảm bảo không bỏ sót những nét quan trọng. Tôi luôn cân nhắc từng ý tưởng để có đủ thông tin để "phán xét" nó đạt hay không. Nếu ý tưởng nào đó khiến tôi phải mất hơn 20 phút để nghĩ về khả năng thành công của nó, tôi nghĩ là ý tưởng đó đáng để đưa vào giai doạn phát triển.
Kết luận
Tôi không khuyên các bạn ngừng tạo ra các ý tưởng. Mục đích chính của bài viết này là khuyến cáo đối với những designer: đừng để mình rối trí với hàng núi những ý tưởng mà bạn có.
Design là 1 một phương thức để truyền tải, và bản chất thuần khiết của design sẽ bị thay đổi dễ dàng nếu có quả nhiều ý tưởng cạnh tranh nhau để thu hút sự chú ý.
Mỗi người có cách sáng tạo của riêng mình, do đó có rất nhiều cách khác nhau để chúng ta tạo ra các ý tưởng. Đó là nhân tố quyết định công việc của chúng ta, nhưng bạn cũng cần phải thận trọng.
Có quá nhiều ý tưởng sẽ trở thành vấn đề đau đầu nếu bạn không biết cách xử lý chúng rõ ràng và khách quan. Đôi khi những ý tưởng đầy hứa hẹn và tuyệt vời lại không phù hợp với dự án, và đôi khi bạn phải lãng phí thời gian vào một ý tưởng tồi để chứng minh rằng nó vô dụng.
Bạn có hài lòng với những nguồn cảm hứng lặp đi lặp lại, không thay đổi? Bạn có phải vật lộn để nảy ra ý tưởng không? Bạn có cảm thấy khó khăn để xác định ý tưởng tốt trong hàng tá các ý tưởng mà bạn hiện đang có? Bạn làm thể nào để xử lý chuỗi các ý tưởng và quyết định ý tưởng để theo đuổi đến cùng? Tôi rất mong nhận được những ý kiến đa chiều của các bạn về chủ đề này.
Bài dịch từ The Disadvantages of Having Too Many Ideas bởi Neo