Đừng làm việc một mình

Đăng bởi Neo trong mục Tổng hợp vào 12 tháng 7, 2010 | Comments

Dù là người sáng lập một công ty nhỏ, làm việc tự do hay sở hữu một website, phải thừa nhận rằng quá nhiều người trong số chúng ta đang làm việc một mình. Bởi mặt trái của cuộc cách mạng kĩ thuật số chính là sự cô lập. Web cho phép ta làm được những công việc trước đây đòi hỏi cả một nhóm người. Nó cũng giải phóng ta khỏi những giới hạn địa lý, khiến làm việc tại nhà trở nên thật đơn giản. Nhưng song song với những điều ấy, là sự cô lập.

Mối nguy hiểm từ sự cô lập

Sau một thời gian dài, làm việc một mình (kể cả khi bạn vẫn là một phần trong nhóm) sẽ gây hại cho sức khỏe tinh thần của bạn, bên cạnh đó, là cả công việc và website. Trên thực tế, nếu dự án của bạn vẫn có những thành viên khác cùng làm việc, nhưng họ chỉ là cấp dưới, bạn vẫn có thể cảm thấy đơn độc.

Nếu không có một đồng nghiệp để chia sẻ ý tưởng và thảo luận về công việc, dự án, nghĩa là bạn đang phải đối mặt với một số nguy cơ sau:

  • Cạn kiệt khả năng sáng tạo
    Sáng tạo sinh ra từ sự tương tác. Bạn khó có thể luôn luôn sáng tạo, nếu chỉ có một mình. Những ý tưởng xuất sắc nhất thường xuất hiện từ những buổi brainstorming của cả một nhóm, khi một ý tưởng tốt của người này làm nảy sinh ý tưởng cho người khác. Nếu không có ai để cùng lên ý tưởng, dự án của bạn chắc chắn sẽ thiếu đi những yếu tố khơi mào sáng tạo.
  • Mất tự tin
    Làm việc một mình quá lâu có thể khiến chúng ta mất tự tin vào khả năng cũng như công việc của mình. Điều này sẽ đặc biệt đúng khi ta mắc sai lầm, và mọi việc từ đó đi lệch hướng. Nếu không có ai đó động viên hoặc trấn an, chẳng bao lâu chúng ta sẽ cảm thấy nghi ngờ và lên án chính những quyết định của mình.
  • Tự tin thái quá
    Ngược với việc mất tự tin trên, một số khác, trái lại, trở nên tự tin quá mức. Những người như vậy rất cần có thêm những thử thách, cần được người khác chất vấn. Đây là chính trường hợp tác giả bài viết này gặp phải. Nếu các đồng nghiệp không thường xuyên đặt câu hỏi cho ý tưởng của anh, tác giả thừa nhận, anh có thể đã vô tình rơi vào sự tự phụ sai lầm đó mà vẫn không hay biết. Không có những người đồng nghiệp như vậy, dự án của bạn có thể dễ dàng trở nên hoàn toàn lệch hướng.
  • Giới hạn hiểu biết
    Chẳng ai có thể là chuyên gia trong mọi lĩnh vực. Trong khi đó, việc duy trì một website nói riêng và một công việc kinh doanh nói riêng đòi hỏi rất nhiều loại kĩ năng. Phải làm việc một mình với những vấn đề và tình huống ngoài tầm hiểu biết, ngoài khả năng chuyên môn không những khiến bản thân bạn lúng túng, mà còn khiến công việc gặp rất nhiều khó khăn và giới hạn.
  • Quan điểm phiến diện
    Một vấn đề khác của việc làm việc độc lập, đó là bạn chỉ có đánh giá công việc từ một quan điểm duy nhất. Bằng việc bổ sung quan điểm từ người khác, bạn sẽ có một tầm nhìn rộng hơn, cũng như có cơ hội tiếp cận với thử thách từ những phương diện mới mẻ.
  • Quá tải
    Kinh doanh hoặc quản trị một website với mục đích thương mại đôi khi có thể trở thành một gánh nặng, đòi hỏi bạn thường xuyên đưa ra các quyết định lớn, chủ yếu là về việc tuyển dụng và các vấn đề tài chính. Phải một mình đưa ra hàng loạt quyết định như vậy thực sự là một trách nhiệm nặng nề, và bạn sẽ sớm thấy quá tải. Có cộng sự để chia sẻ những vẫn đề như vậy sẽ khiến mọi chuyện rất khác.

một mình

Vậy, bạn có thấy mình gặp phải nguy cơ nào trong những vấn đề vừa được liệt kê trên đây không? Nếu câu trả lời là không, tác giả khuyến cáo bạn nên đọc lại mục "Tự tin thái quá" và suy nghĩ lạ câu trả lời. Thật khó có thể tin rằng một người duy trì công việc kinh doanh hoặc xây dung website đơn độc, lại không được lợi gì khi có thêm những ý kiến đóng góp từ các cộng sự khác.

Câu hỏi tiếp theo được đặt ra là, làm thế nào để bạn tìm được người cộng sự mình cần?

Tìm kiếm những quan điểm mới

Giải pháp dễ thấy nhất là có người cùng hợp tác ngay từ khi khởi đầu dự án. Làm việc cùng ai đó khi xây dựng một trang web hoặc khởi đầu công việc kinh doanh với một nhóm cộng sự bao giờ cũng đem lại nhiều lợi ích. Đó cũng là điều tác giả đã làm, và anh thừa nhận nếu không có hai người đồng sáng lập, việc kinh doanh của anh hẳn đã không ít lần lâm vào bế tắc.

Tất nhiên, không phải cộng sự nào cũng đem tới cho bạn những kinh nghiệm vui vẻ. Tuy vậy, tỉ lệ đấy là không đáng kể so với những lợi ích mà bạn có được khi hợp tác cũng những cộng sự tốt.

Bạn còn có thể làm gì nữa? Còn lựa chon nào khác để tìm kiếm những cộng sự đem tới những quan điểm mới mẻ và đồng hành cùng bạn trong việc lên ý tưởng?

Đây là vài lựa chọn trong số đó:

  • Hùn vốn kín (không tham gia việc quản trị công ty)
    Đây là phương pháp tác giả bài viết này đã lựa chọn. Công ty của anh có một giám đốc không điều hành, Brian, làm việc cùng lúc cho nhiều công ty, chịu trách nhiệm nhắc nhở và góp ý cho các thành viên khác. Brian có những quan điểm hoàn toàn khác về công việc kinh doanh, và thường xuyên đưa ra các chất vấn cho ban giám đốc. Đổi lại, anh nắm một phần lợi nhuận nhỏ của công ty. Đó thực sự là một cộng sự đáng giá!
  • Cố vấn
    Nếu bạn không có ý định để ai đó tham gia trực tiếp vào công việc kinh doanh của bạn, cân nhắc tới việc thuê một cố vấn viên - người bạn có thể thảo luận và lấy ý kiến về những vấn đề cơ bản của công việc, là một ý tưởng không tồi. Phải thừa nhận rằng, giải pháp này khá tốn kém, nhưng đổi lại sẽ đem tới những quan điểm đáng giá cho doanh nghiệp của bạn.
  • Hỏi ý kiến tiền bối
    Một lựa chọn khác cho bạn, là tìm tới một người đi trước giàu kinh nghiệm mà bạn ngưỡng mộ, và đề nghị được hướng dẫn. Rõ ràng, các bậc tiền bối này thường sẽ rất bận rộn với công việc riêng. Nhưng nếu bạn được họ dành thời gian cho mình, bạn có thể nhận được không ít những lời khuyên có giá trị. Thường bạn sẽ cần tới một giờ trò chuyện cùng những tiền bối này mỗi tháng để kiểm soát và đánh giá đúng công việc của mình.
  • Bạn bè
    Một giải pháp đơn gian và ít tốn kém, là tìm tới một người bạn đã từng gặp những tình huống tương tự như vấn đề của bạn. Hai người có thể thường xuyên trò chuyện, chia sẻ các vấn đề mà mình gặp phải, cùng ở cương vị một chủ doanh nghiệp, hay một chủ website, thảo luận những ý kiến, quan điểm khác nhau.
  • Cộng đồng
    Bên cạnh một cố vấn, một người hướng dẫn, hay bạn bè, bạn có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ một cộng đồng online. Bạn sẽ có nhiều lựa chọn trong trường hợp này, nhưng tốt nhất là cộng đồng mà bạn tham gia không quá lớn. Như vậy, mọi người có thể nhớ đến bạn cũng như những vấn đề của bạn.

Dù lựa chọn giải pháp nào, quyết định cuối cùng cũng luôn nằm ở bạn. Vấn đề là, nếu bạn muốn nhìn nhận đúng về tiềm năng của website, hay rộng hơn, là công việc kinh doanh mà mình đang theo đuổi, bạn cần sự giúp đỡ cũng như động viên từ nhiều hơn một cộng sự khác. Con người, về bản chất, luôn đạt thành quả tốt nhất khi làm việc theo nhóm, và bạn cũng không phải là ngoại lệ. Chúng ta sinh ra không phải để làm việc mọi việc một mình!

Dịch lại từ Smashing Magazine

Bạn có thích bài viết này?

Neo's picture

Neo

Nhìn mặt trời từ năm 1984 nhưng tới tận 2002 mới được thấy cái máy tính đầu tiên của mình. Đầu năm 2007 thì quyết định theo cái nghề cao quý là thiết kế web Big Grin. Hiện mình đang sống tại Hà Nội. Sở thích: làm website và giúp đỡ mọi người phát triển website theo chiều hướng tốt đẹp hơn.

Trang chủ - Twitter